Trang chủ » Osechi – Món ăn Tết Nhật Bản

Osechi – Món ăn Tết Nhật Bản

  • bởi

Mặc dù người dân xứ sở hoa Anh Đào đón tết theo dương lịch, nhưng ngày Tết của họ vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc trưng của xứ sở hoa anh đào. Osechi-ryōri (御節料理 hay お節料理) thường được gọi một cách đơn giản là Osechi, là mâm cỗ ngày Tết ở Nhật. Ngày xưa, cứ đến những ngày cận tết là người Nhật lại tất bật chuẩn bị các món ăn Osechi để cùng thưởng thức với gia đình trong dịp Tết. Giống như ở Việt Nam chuẩn bị nấu bánh chưng, bánh tét và các món truyền thống khác trong dịp Tết vậy.

Ban đầu Osechi chỉ gồm có nimono, rau luộc trong nước tương, đường hoặc rượu mirin. Trải qua nhiều đời, số lượng món ăn trong bữa Osechi tăng dần lên. Ngày nay, Osechi gồm bất cứ món ăn nào dành riêng cho ngày Tết và nếu như các món ăn phương Tây được thêm vào thì gọi là “Osechi Tây Phương” ( seiyō-osechi); ngoài ra còn có loại “Osechi Trung Hoa” (chūkafū osechi). 

Truyền thống này khởi đầu từ thời kỳ Heian (794-1185). Osechi khác biệt vì nó được đựng trong những chiếc hộp đặc biệt gọi là jūbako (重箱); tương tự như các hộp bento, các hộp jūbako thường được xếp gọn lại trước và sau khi dùng.

Mỗi món ăn trong hộp đều vô cùng hấp dẫn và có mang những ý nghĩa riêng để tượng trưng cho những lời chúc tốt lành cho năm mới. Thông thường, một hộp Jubako gồm có 4 khay:

Ichi no Ju: khay đầu tiên trong cỗ tết Osechi bao gồm những món ăn để nhắm rượu như Kuromame (đậu đen bung), Kazunoko (trứng cá trích muối), Tazukuri (cá sấy)… thay cho lời chúc năm mới.

Ni no Ju: khay này tập trung vào những món ngọt dịu như Kobumaki (rong biển cuộn), Kurikinton (bánh làm từ hạt dẻ), Datemaki (trứng cuộn)…

San no Ju: món chính của khay này là những đồ nướng với nguyên liệu hải sản như tôm, cá, mực… tượng trưng cho ý nghĩa “Niềm hạnh phúc từ biển”.

Yo no Ju: bao gồm những món kho từ nguyên liệu rau củ như hạt sen, củ sen, nấm, cà rốt, … tượng trưng cho ý nghĩa “Niềm hạnh phúc từ núi”. Lưu ý rằng người Nhật gọi tầng thứ tư là “yo no juu” thay vì “shi no juu” vì chữ “shi” có cách phát âm giống với “死” (tử).

Ngày nay có thể có những hộp Jubako chỉ có 2 hoặc 3 khay để cho bớt nặng và cồng kềnh. Về cơ bản đây là một bữa ăn không phải là một món ăn nên tùy vào từng gia đình và sở thích sẽ có những cách thể hiện và thực hiện khác nhau. Ví dụ, nếu như tại Việt Nam có canh măng, thịt đông, bánh chưng, gà luộc thì trong bữa ăn Osechi sẽ có Rượu, món canh: món canh hầm nhiều nguyên liệu trong đó có Omochi (nếp dẻo, tương tự như bánh dầy ở Việt Nam vậy), rau củ hầm, món muối chua, món nướng,….

Giải mã một số món ăn không thể thiếu trong hộp Jubako nhé:

Kuromame (黒豆)

Kuromame (黒豆) – Đậu đen ninh ngọt. Vì “mame” (từ đậu trong tiếng Nhật) đồng nghĩa với “sức khoẻ” nên đây là món ăn đại diện cho sự khoẻ mạnh cũng như làm việc năng suất trong năm tới. Ngoài ra, màu đen trong văn hoá Nhật được tin là có thể xua đuổi tà ma.

Kazunoko (数の子)

Kazunoko (数の子) là trứng cá trích nấu với rượu và nước tương nhạt với ý nghĩa mong muốn con đàn cháu đống qua nhiều thế hệ. Trong tiếng Nhật, “kazu” có nghĩa là “con số” và “ko” có nghĩa là “trẻ con”. 

Tazukuri (田作り)

Tazukuri (田作り) – Cá mòi rim. Ngày xưa, cá mòi thường được dùng để làm phân bón cho lúa gạo. Vậy nên món ăn như một lời cầu nguyện cho mùa màng bội thu.

Kamaboko (かまぼこ)

Kamaboko (かまぼこ) – Chả cá. Loại chả cá đặc biệt này có màu đỏ – tượng trưng cho bùa hộ mệnh và màu trắng – thể hiện sự thuần khiết, linh thiêng. Sự kết hợp màu sắc của món ăn này sẽ mang lại may mắn và hạnh phúc. Hình dạng mái vòm cũng được xem là biểu tượng mặt trời mọc.

Datemaki (伊達巻き)

Datemaki (伊達巻き) – Trứng cuộn ngọt. Món trứng ngọt quen thuộc với hầu hết người Nhật, mang hình dáng của cuốn sách cuộn lại nên tượng trưng cho sự phát triển văn hoá và thành tựu trong học vấn. Đây cũng là món ăn mang đến niềm hy vọng sẽ đỗ đạt cao.

Kuri Kinton (栗きんとん)

Kuri Kinton (栗きんとん) – Khoai lang nghiền trộn hạt dẻ ninh ngọt. Màu vàng của món ăn này là đại diện cho sự giàu có và thịnh vượng, làm ăn tấn tới

Ebi (海老)

Ebi (海老)Trong quan niệm người Nhật, tôm được xem là biểu tượng của sự trường thọ. Đây là món ăn mong ước sống thọ đến lúc râu dài, lưng cong như tôm. 

Kobumaki(昆布巻き)

Kobumaki(昆布巻き)“Kobu” được chơi chữ từ “yorokobu” (喜ぶ) nghĩa là vui vẻ, hạnh phúc. Là rong biển cuộn rim ngọt với nhân bên trong đa dạng như cá ngừ, cá hồi, thịt gà,… món ăn này gửi đến Thần linh mong ước một năm mới gặp nhiều niềm vui. 

Onishime(お煮しめ)

Onishime(お煮しめ) chính là món kho với nguyên liệu là củ sen, cà rốt, rễ cây ngưu bàng,… Trong đó Củ sen tượng trưng cho sự thông thái, rễ cây ngưu bàng thể hiện mong muốn một sức khỏe tốt.

Zouni (雑煮)

Zouni (雑煮) – Súp bánh gạo
Đây là một món ăn kèm với Osechi. Ở vùng Kanto sẽ dùng dashi (một loại nước hầm từ cá ngừ hoặc rong biển), và ở vùng Kansai sẽ dùng Miso. 

Ngoài ra còn có Sushibánh mochi,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *