Rất nhiều bạn dù mới học hay đã có “thâm niên” học tiếng Nhật đều cảm thấy bối rối và mơ hồ khi sử dụng các dấu câu và ký tự tiếng Nhật. Ký tự này là gì, dấu ngoặc này dùng khi nào, ngoặc nào trước, ngoặc nào sau?,… và còn rất nhiều tình huống không biết phải làm sao. Đừng lo, đã có NCHR đây. Hôm nay, chúng mình sẽ cùng bạn đi tìm hiểu về tất cả các ký hiệu và dấu câu thường gặp trong tiếng Nhật nhé!
I. Các ký hiệu cần biết trong tiếng Nhật
1. Dấu ngắt
– Ký hiệu:・
– Cách đọc: 中黒・中点 (Nakaguro – nakaten)
– Cách sử dụng:
+ Dấu ngắt thường được sử dụng khi viết tên người nước ngoài bằng Katakana.
マイク・ミラー (Mike Miller)
アダム・スミス (Adam Smith)
レオナルド・ダ・ヴィンチ (Leonardo Da Vinci)
+ Ngoài ra, người Nhật cũng sử dụng dấu ngắt khi họ muốn đề cập tới những từ đồng đẳng với nhau.
市立・町立病院 (shiritsu – chouritsu byouin)
Bệnh viện huyện – thành phố
国内・海外旅行 ( kokunai – kaigai ryokou)
Du lịch trong nước – nước ngoài
小・中・公の教室体制 (shou – chuu- kou kyoushitsu taisei )
Hệ thống giáo dục Tiểu học – Trung học – Phổ thông
2. Tenten
– Ký hiệu:〃
– Cách đọc: てんてん (tenten)
– Cách sử dụng:
+ Đây là ký hiệu đặc biệt mà chỉ trong tiếng Nhật mới có. Ký hiệu tenten được biểu thị bằng 2 vạch nằm ở bên trên, góc phải của chữ.
+ Ký hiệu tenten này sẽ được thêm vào các hàng KA, SA, TA, HA để tạo thành âm đục.
KA, KI, KU, KE, KO -> が、ぎ、ぐ、げ、ご
(GA, GI, GU, GE, GO)
SA, SHI, SU, SE, SO -> ざ、じ、ず、ぜ、ぞ
(ZA, JI, ZU, ZE, ZO)
TA, CHI, TSU, TE, TO -> だ、ぢ、づ、で、ど
(DA, CHI, DZU, DE, DO)
HA, HI, HU, HE, HO -> ば、び、ぶ、べ、ぼ
(BA, BI, BU, BE, BO)
+ Không chỉ âm đơn, mà ký hiệu tenten còn được sử dụng cả với âm ghép
KYA, KYU, KYO -> ぎゃ、ぎゅ、ぎょ
(GYA, GYU, GYO)
SHA, SHU, SHO -> じゃ、じゅ、じょ
(JYA, JYU, JYO)
HYA, HYU, HYO -> びゃ、びゅ、びょ
(BYA, BYU, BYO)
+ Ký hiệu tenten được sử dụng trong cả bảng Hiragana và Katakana.
3. Maru
– Ký hiệu: ゜
– Cách đọc: 丸 (maru)
– Cách sử dụng:
+ Giống như Tenten, Maru là dấu tròn nhỏ nằm phía trên góc phải của chữ.
+ Ký hiệu maru được thêm vào hàng HA để tạo thành âm đục :
HA, HI, HU, HE, HO -> ぱ、ぴ、ぷ、ぺ、ぽ
(PA, PI, PU, PE, PO)
HYA, HYU, HYO -> ぴゃ、ぴゅ、ぴょ
(PYA, PYU, PYO)
+ Ký hiệu maru được sử dụng trong cả bảng Hiragana và Katakana.
4. Cách đọc một vài ký tự tiếng Nhật khác
Ngoài các ký hiệu đặc biệt, người Nhật cũng sử dụng những ký hiệu giống như trong tiếng Việt, với cách sử dụng tương đương.
Ký hiệu | Cách đọc | Phiên âm | Nghĩa |
_ | 下線・アンダーライン | shitasen / andaarain | Dấu gạch dưới |
ー | なかせん・ダッシュ・ハイフン | nakasen/dasshu/haifun | Dấu gạch ngang |
@ | アットマーク | attomaaku | Dấu a còng |
+ | プラス | purasu | Dấu cộng |
ー | マイナス | mainasu | Dấu trừ |
! | かんたんふ | kantanfu | Dấu chấm than |
: | コロン | koron | Dấu hai chấm |
; | セミコロン | semikoron | Dấu chấm phẩy |
% | パーセント | paasento | Dấu phần trăm |
& | アンパサンド | an pasando | Dấu và |
<> | より大きい・より小さい | yori ooki/yori chiisai | Dấu lớn/nhỏ |
# | シャープ・ナンバー | shaapu/nanbaa | Dấu thăng |
… | ㍛リーダ | santen riida | Dấu ba chấm |
= | イコール | ikooru | Dấu bằng |
→ | やじるし | yajirushi | Dấu mũi tên |
II. Các dấu câu hay được sử dụng trong tiếng Nhật :
1. Dấu chấm
– Ký hiệu: 。
– Cách đọc: 句点・丸 (Kuten – maru)
– Dấu tiếng Việt : .
– Cách sử dụng:
+ Khác với dấu chấm trong tiếng Việt, được viết chỉ bằng một nét chấm mực trên giấy, dấu chấm trong tiếng Nhật được viết bằng cách vẽ một hình tròn nhỏ ở cuối câu.
この本はとても面白いです。(Konohon wa totemo omoshiroi desu.)
Quyển sách này hay lắm.
+ Ngoài ra, dấu chấm này cũng có tác dụng giống như dấu chấm trong tiếng Việt: dùng để ngắt ý, kết thúc câu hoặc kết thúc đoạn văn.
2. Dấu phẩy
– Ký hiệu: 、
– Cách đọc: 読点・テン (Touten – ten)
– Dấu tiếng Việt: ,
– Cách sử dụng:
+ Dấu phẩy trong tiếng Nhật được viết từ dưới lên, kéo dài từ bên phải hất lên phía trái. Khác hoàn toàn dấu phẩy trong tiếng Việt.
+ Touten có cách sử dụng giống như dấu phẩy của tiếng Việt.
3. Dấu ngoặc vuông
– Ký hiệu:「」
– Cách đọc: かぎかっこ (kagikakko)
– Dấu tiếng Việt: “”
– Cách sử dụng:
Dấu kagikakko thể hiện phần trích dẫn hoặc phần mà người viết muốn nhấn mạnh.
母は「部屋を片付けろ」とよく言っている。
(Haha wa “heya wo katazukero”to yoku itteiru)
Mẹ thường hay bảo tôi “Dọn phòng con đi”.
先生は「飲食」という言葉を説明しています。
(Sensei wa “inshoku” toiu kotoba wo setsumei shiteimasu.)
Cô giáo đang giải thích từ “Ẩm thực”.
4. Dấu ngoặc tròn
– Ký hiệu: ()
– Cách đọc: かっこ (kakko)
– Dấu tiếng Việt: ()
– Cách sử dụng:
+ Dấu kakko thường được sử dụng trong từ điển để ghi chú cách viết Hiragana cho Kanji
百合(ゆり)の花がいい香りがする。
(yuri no hana ga ii kaori ga suru)
Hoa ly tỏa hương thơm quá.
+ Người Nhật cũng dùng kakko khi muốn giải thích kỹ hơn hoặc đưa ra từ đồng nghĩa cho từ đứng trước
メーデー(㋄1日)は労働者の祭典日とされている。
(Meidei wa roudousha no saiten bi to sareteiru)
May Day (1-5) được coi là ngày Quốc tế lao động.
5. Dấu nửa – vuông kép
– Ký hiệu:『』
– Cách đọc: 二重かぎっかこ (nijyuu kagikakko)
– Dấu tiếng Việt: “”
– Cách sử dụng:
+ Trích dẫn tiêu đề hoặc tên tạp chí, tên các bộ phim, bài hát
『失われた時を求めて』
(ushinawareta toki wo motomete)
“Đi tìm thời gian đã mất”
『風と共に去りぬ』
(kaze to tomoni sarinu)
“Cuốn theo chiều gió”
+ Khi đó là câu trích dẫn kép – có 2 trích dẫn trong 1 câu: phần ngoài cùng sẽ dùng kagikakko (ngoặc vuông), phần bên trong dùng nijyu kagikakko (nửa vuông kép).
「あの人は『それは彼の思い違いだ』と言っている」
(Ano hito wa “sore wa kare no omoichigai da” to itte iru)
Người đó nói rằng “ Đó là do anh ta hiểu lầm”.
6. Dấu ngoặc nhọn có góc
– Ký hiệu: 【】
– Cách đọc: 隅つきかっこ (sumitsuki kakko)
– Cách sử dụng:
Sumitsuki kakko thường được sử dụng khi trích dẫn tiêu đề một bài báo, một chuyên đề,…
7. Dấu ngoặc mai rùa
– Ký hiệu: 〔〕
– Cách đọc: 亀甲かっこ
– Cách sử dụng:
Dấu ngoặc mai rùa phần lớn được sử dụng trong các văn bản viết dọc, có tác dụng nhấn mạnh hoặc bổ sung các trích dẫn.
「〔筆者は〕失敗作だとみなしていた」。
(hissha wa shippaisaku da to minashiteita)
Tác giả cho rằng tác phẩm đó là một sự thất bại.
8. Dấu ngoặc nhọn
– Ký hiệu: {}
– Cách đọc: なみかっこ (namikakko)
– Cách sử dụng:
Dấu này thường chỉ được dùng trong Toán học.
Các bạn hãy chú ý và sử dụng cho đúng nhé!
Mong rằng NCHR đã đem lại cho bạn nguồn tri thức bổ ích và quý giá!
Chúc các bạn học tốt và giữ gìn sức khỏe nhé!