Nhật Bản là một trong những quốc gia có truyền thống văn hoá lâu đời nhất. Nếu đã từng đến hoặc tìm hiểu qua Nhật Bản, chắc hẳn các bạn điều biết ở Nhật dường như quanh năm điều là mùa của lễ hội. Đặc biệt vào tháng 4, đây là thời điểm mùa xuân ở Nhật. Là thời điểm hoa anh đào nở rộ khắp nơi tạo nên một khung cảnh vô cùng lãng mạn, và cũng là tuần lễ vàng của Nhật Bản với 4 lễ hội lớn. Đây sẽ là kỳ nghỉ dài nhất trong năm ở Nhật Bản, là cơ hội để mọi người thư giản sau một năm dài làm việc vất vả.
Hôm nay, hãy cùng NCHR đi tìm hiểu về những lễ hội đặc sắc vào tháng 4 ở Nhật Bản nhé!
- Lễ hội hoa anh đào – Sakura Season
Nhắc đến Nhật Bản là nhắc đến hoa anh đào, bởi vậy mà đây được xem là lễ hội lớn nhất và được mong chờ nhất trong năm đối với người Nhật nói riêng và các du khách nói chung. “Hana” có nghĩa là hoa, còn “mi” mang nghĩa ngắm nhìn, thưởng thức, nên “Hanami” được hiểu là lễ hội thưởng hoa, ngắm hoa anh đào. Được tổ chức khi những cây anh đào nở rộ vào mùa xuân, lễ hội bắt đầu từ 15/03 và kéo dài đến 30/04 ở các thành phố lớn của Nhật như Tokyo, Osaka, Hokkaido, Kyoto,…
Vào dịp này, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp người dân và du khách đi picnic, tụ tập ở các công viên hay dọc những bờ sông rợp bóng anh đào để cùng ăn uống, chuyện trò và ca hát. Hoa anh đào vốn là loài hoa nhanh tàn, từ khi hoa nở đến khi hết mùa hoa chỉ kéo dài khoảng 10 ngày đến nhiều nhất là 2 tuần nên đừng bỏ lỡ dịp này nhé.
Lưu ý là hoa anh đào ở các thành phố phía Nam sẽ thường nở sớm hơn so với ở phía Bắc nên các bạn có thể cân nhắc để lựa chọn thời gian cũng như địa điểm thích hợp để ngắm hoa.
2. Miyako Odori (1/4 đến 30/4)
Bên cạnh lễ hội hoa anh đào, người Nhật còn thể hiện sự yêu quý và trân trọng đối với loài quốc hoa này thông qua các điệu múa có tên là Miyako Odori do các Geisha trình diễn ở nhà hát Kaburenjo hàng năm vào các buổi tối trong tháng 4.
Điệu múa được chia thành 8 màn với trung tâm là điệu múa và trường ca Nagauta miêu tả Nhật Bản trong 4 mùa, cùng với các điệu múa có chủ đề văn học và các vở kịch Kabuki.
Đừng bỏ lỡ màn đầu tiên của Miyako Odori để được chiêm ngưỡng cảnh tượng có 1 không 2 khi có tới 20 Maiko trong trang phục truyền thống Kimono màu xanh nhạt, trên tay là những cành hoa anh đào cùng đồng loạt xuất hiện. Ngoài ra, tại lễ hội này, bạn còn có cơ hội được thưởng thức những bữa tiệc trà đậm phong cách Nhật vô cùng thú vị.
3. Lễ hội Inuyama (2/4 đến 3/4)
Đây là lễ hội lâu đời với hơn 350 năm lịch sử. Tham gia lễ hội, du khách sẽ được nhìn ngắm khung cảnh diễu hành hoành tráng của 13 cỗ xe rước khổng lồ, cổ kính với một con rối karakuri trên xe.
Đây là một trong những lễ hội thể hiện rõ nét nhất vẻ đẹp truyền thống của Nhật Bản thời xưa. Từ năm 1635, lễ hội Inuyama được tổ chức thường niên vào 2 ngày là thứ Bảy và Chủ nhật đầu tiên của tháng Tư ở miếu thờ vị thần Harituna nằm ngay trước cửa của lâu đài Inuyama tại thị trấn Matsuri.
Hình ảnh đặc sắc nhất trong lễ hội này là 13 chiếc xe rước và kiệu rước 3 tầng theo phong cách cổ trang cùng những con búp bê lộng lẫy và hơn 360 chiếc đèn lồng treo kín các con phố chính. Sẽ thật tuyệt vời nếu được dạo bước trên những con phố ấy vào buổi tối khi mà cả thị trấn chìm trong vẻ đẹp huyền ảo, lung linh của ánh đèn lồng với những tiếng sáo ru rương của điệu nhảy búp bê.
Vào buổi tối, mỗi xe sẽ được trang trí với 365 chiếc đèn lồng làm những con đường thị trấn xe đi qua được thắp sáng lung linh, gây ấn tượng cho những du khách ghé thăm nơi này.
4. Lễ hội Thần đạo Kanamara Matsuri (ngày 3/4)
Được tổ chức hàng năm vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Tư, lễ hội Kanamara Matsuri là một trong những lễ hội thu hút được sự chú ý của du khách và bạn bè thế giới nhiều nhất bởi chủ đề của lễ hội này là… dương vật.
Lễ hội này còn được biết đến với tên gọi “Lễ hội của dương vật thép” bắt nguồn từ một truyền thuyết có từ thời Edo ở Nhật. Truyện kể lại rằng, con quỷ đã đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp nhưng không được đáp lại, nên đã chui vào người cô gái để cắn đứt dương vật của chồng cô trong đêm tân hôn. Sau này cô gái tái hôn, con quỷ vẫn dùng cách cũ để trút sự giận dữ của nó lên người chồng thứ 2 của cô. Dân làng bấy giờ mới bàn mưu để người thợ rèn làm ra một cái dương vật bằng thép và khiến con quỷ gẫy hết răng không thể tiếp tục hại ai.
Sau này, bức tượng “của quý” làm bằng thép được đưa vào thờ tại đền Kanayama ở thành phố Kawasaki trên hòn đảo Honsu, nơi thờ 2 vị thần là Kanayama Hikonokami- thần của sự sinh sản và Kanayama Kimenokami- thần của sức khỏe ở bụng.
Đến với lễ hội này, các du khách sẽ có cơ hội được tham dự các hoạt động vui chơi thú vị như gọt các loại rau củ hay các loại bánh kẹo hình sinh thực khí nam vô cùng độc đáo. Được biết đây cũng là nơi mà nhiều cặp vợ chồng Nhật Bản tìm đến để cầu xin về con cái.
Thông điệp mà mọi người gửi gắm là mỗi người hãy biết cách bảo vệ mình khỏi các bệnh lây lan qua đường tình dục. Bên cạnh đó, lễ hội còn gây quỹ phòng chống HIV/AIDS.
5. Lễ hội mùa xuân Takayama (14/4 đến 15/4)
Nằm ở miền Trung Nhật Bản, Takayama là một thị trấn cổ lâu đời nằm gần Nagoya. Nơi đây còn được biết đến với hình ảnh cây cầu Nakabashi sơn đỏ vắt mình ngang con sông Miyagawa. Hai bên cầu và dọc vờ sông là những cây anh đào xinh đẹp- loại đào cánh đơn, mỏng tang, mong manh đặc trưng của vùng này.
Hàng năm, vào 2 ngày 14 và 15/04, lễ hội mùa xuân Takayama lại được tổ chức ở đây và được xem như lễ hội lớn nhất nhì trong năm ở Nhật Bản. Vào ngày này, người dân sẽ tổ chức rước những chiếc kiệu thờ rực rỡ để tỏ lòng nhớ ơn những lãnh chúa nổi tiếng thời xưa qua các phố phường. Bên những kiệu thờ ấy còn là người ngựa trong trang phục chiến binh cổ xưa diễu hành, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo của riêng lễ hội mùa xuân Takayama.
6. Tuần lễ vàng Golden Week
Tuần lễ vàng là kỳ nghỉ dài ở Nhật Bản kéo dài từ 7 đến 10 ngày vào dịp cuối tháng 4 đầu tháng 5. Đây là thời gian mà người Nhật kỉ niệm nhiều ngày đặc biệt ở đất nước này như ngày sinh nhật của Nhật Hoàng (29/4), ngày Hiến pháp (3/5), ngày Xanh (5/5), ngày Tết thiếu nhi Nhật Bản (5/5). Lễ hội lớn nhất đó chính là lễ quốc tế thiếu nhi. Vào ngày này, hàng triệu con cá chép được treo lên khắp đất nước Nhật Bản. Nó là liên quan đến một truyền thuyết về một con cá chép đã bơi ngược dòng để trở thành một con rồng và koinobori bay trong gió tượng trưng cho một tuổi thơ khỏe mạnh và hạnh phúc. Lễ hội này sẽ diễn ra vào bốn ngày khác nhau vào thời điểm đẹp nhất của mùa xuân, thường thì mọi người sẽ dành luôn cả một tuần để nghỉ ngơi. Tuần lễ vàng rơi vào giữa mùa xuân khi những ngày se lạnh của mùa xuân đang lùi xa nhường cho những ngày ấm áp hơn nên thời tiết thường rất dễ chịu.