Bạn được đồng nghiệp người Nhật mời đi đám cưới, nhưng lại băn khoăn vì không biết quy tắc ra sao. Bạn đang học tập, sinh sống hay làm việc tại Nhật Bản, mong muốn biết nhiều hơn về văn hóa của xứ sở phù tang. Nếu thế thì hãy đọc ngay bài viết dưới đây nhé. Hy vọng NCHR sẽ mang lại cho bạn vài điều bổ ích!
Đôi điều về phong tục cưới hỏi của người Nhật
Nhật Bản là một quốc gia thuộc châu Á, nên sẽ có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam chúng ta, và trong đó, tục lệ về cưới hỏi cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, đám cưới trong nghi thức của người Nhật cũng có những đặc trưng khác nhau. Hôn nhân nam nữ được chia thành hai loại. Đó là hôn nhân mai mối và hôn nhân tự do. Hôn nhân mai mối tức là hôn nhân do sự sắp đặt trước của hai gia đình, do đính ước từ lúc còn bé và hôn nhân tự do tức là nam nữ tự do tìm hiểu nhau, yêu nhau và tiến tới hôn nhân đôi lứa. Mặc dù là đất nước phát triển, hòa nhập với thế giới, nhưng Nhật Bản vẫn duy trì song song nhiều hình thức đám cưới khác nhau. Với mong muốn các bạn hiểu sâu hơn về nền văn hóa truyền thống của Nhật Bản, nên bài viết này sẽ tập trung chủ yếu về đám cưới theo phong cách truyền thống.
Đám cưới ở Nhật theo phong cách truyền thống
- Xem ngày cưới
Giống với Việt Nam, người Nhật cũng tiến hành xem ngày tốt xấu để tổ chức đám cưới. Dù gọi là mê tín, nhưng suy cho cùng, mục đích cuối cùng của những người làm cha, làm mẹ là luôn mong muốn hôn nhân của con cái bền vững, lâu dài và thuận buồm xuôi gió.
- Trước khi tổ chức lễ cưới chính thức
Trước khi lễ cưới chính thức được diễn ra, gia đình nhà gái sẽ tổ chức một bữa tiệc để chia tay con gái của mình. Ở bữa tiệc này, cô dâu không chỉ chia tay gia đình, người thân mà còn chia tay cả hàng xóm nữa. Và tất nhiên, ở một buổi liên hoan không kém phần quan trọng này, cô dâu sẽ nhận được vô vàn lời chúc phúc từ những người xung quanh.
- Lễ cưới chính thức
Dù là người Việt hay người Nhật thì khi bước vào lễ cưới chính thức sẽ đều mặc những bộ trang phục đặc biệt. Nếu người Việt Nam mắc áo dài trong ngày cưới, thì cô dâu Nhật cũng khoác lên mình bộ Kimono truyền thống. Tuy nhiên, Kimono dành cho ngày cưới sẽ không sặc sỡ mà là Kimono màu trắng, đội cùng với chiếc mũ trắng che kín đầu tên là tsuno-kakushi có nghĩa là giấu sừng.Theo người Nhật, chiếc mũ chính là biểu tượng cho đời sống vợ chồng sung túc, hòa thuận, hạnh phúc. Ngoài ra cũng còn có ý nghĩa là gạt bỏ đi sự ghen tuông của phụ nữ. Đối với chú rể, sẽ mặc kimono có gắn gia huy và quần chùng, gọi là hakama.
Sau khi rước dâu xong, hôn lễ chính sẽ được tổ chức tại nhà trai với nhiều nghi thức quan trọng. Đầu tiên là sẽ làm lễ theo phong cách của Thần đạo. Lúc này, cô dâu và chú rể sẽ trao cho nhau lời thề, sau đó, cô dâu cùng chú rể lần lượt nhấp 3 lần rượu sake trong một bộ 3 chiếc chén từ lớn tới nhỏ, nhằm minh chứng cho lời thề đó. Nghi thức này gọi là sansan kudo, vốn xuất phát từ những gia đình quyền quý. Tuy nhiên, theo thời gian, nghi thức được lan rộng và trở thành tiêu chuẩn trong tất cả các đám cưới truyền thống.
Sau khoảng từ 3 đến 5 ngày cưới, người vợ, có khi là cả vợ và chồng sẽ quay trở về nhà gái, đem theo rất nhiều quà cho gia đình và người thân. Nghi thức này gọi là sato gaeri.
Đám cưới theo phong cách khác
Ngoài tổ chức theo phong cách truyền thống như ở trên, còn có các hình thức khác như tổ chức theo nghi lễ của thần đạo, tổ chức theo nghi lễ của thiên chúa giáo hay là theo nghi lễ Phật giáo. Đặc biệt, đám cưới tổ chức theo nghi lễ của thần đạo khá nổi tiếng và thịnh hành vào những năm của triều đại Meji. Những năm gần đây, do du nhập của nước ngoài, những lễ cưới được tổ chức ở nhà hàng hay khách sạn cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên thì, dù tổ chức ở đâu đi chăng nữa, người Nhật vẫn luôn cố gắng giữ lại những nghi thức mang phong cách cổ truyền của dân tộc.
Những điều cần lưu ý khi dự đám cưới ở Nhật
- Không dẫn theo người quen đến tham dự nếu không có lời mời từ cô dâu, chú rể.
- Sử dụng tiền mừng là tiền mới, số tiền mừng cũng tránh những con số như 4 (vì 4 trong tiếng nhật đọc là shi, mang điềm xấu như là shinimasu, nghĩa là chết, hay số 9 (vì số 9 trong tiếng nhật đọc là ku, mang điềm xấu như là kunan, nghĩa là đau khổ. Khi cho tiền vào phong bì thì để nhớ để mặt trên của các tờ tiền hướng lên mặt trên của phong bì, tuyệt đối không để úp xuống vì đó là hình thức tiền viếng của đám tang.
- Sử dụng phong bì chuyên dụng dành cho đám cưới. Những chiếc phong bì này có đặc điểm chung là có in hình chữ 寿 (đọc là kotobuki,ý nghĩa là trăm năm hạnh phúc) .
- Thư mời đám cưới thường sẽ được gửi trước 2 tháng khi lễ cưới diễn ra. Trong thư mời sẽ ghi đầy đủ tên, tuổi, thời gian, địa điểm tổ chức, và kèm theo một phong bì thư để bạn trả lời có tham dự “出席” hay không. “欠席”. Hãy cố gắng trả lời sớm nhất có thể nhé!
Trên đây là bài viết tổng hợp về các nghi lễ đám cưới ở Nhật cũng như một số lưu ý khi tham dự. Hi vọng đây sẽ là những kiến thức thật hay và bổ ích, giúp bạn hiểu hơn về con người cũng như đất nước mặt trời mọc. Với những ai đã và đang được mời đi tham dự đám cưới của người Nhật thì có những chuẩn bị phù hợp nhất.