Nhật Bản là cường quốc công nghiệp phát triển trên thế giới, là nước châu Á đầu tiên mở cửa du nhập văn hoá, văn minh phương Tây ngay từ năm 1868 với công cuộc cải cách duy tân mang tên Thiên hoàng Minh Trị (Meiji). Tuy vậy, xứ sở mặt trời mọc vẫn luôn là quốc gia chú trọng gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, trong đó phải kể đến những phong tục, tập quán độc đáo trong văn hóa Tết. Những ngày Tết của Nhật Bản mang đậm sắc thái của nền Phật giáo phương Đông và các phong tục cổ truyền nơi đây.
Thắp hương cúng tổ tiên và các vị thần
Người Nhật Bản thờ cúng tổ tiên, các vị thần vào đêm Giao thừa. Trên ban thờ của mỗi gia đình người Nhật trong dịp Tết không thể thiếu bánh gạo Mochi, quả hồng, hạt dẻ, hạt thông, đậu đen, cá trích, mực và cam. Đây đều là những sản phẩm đặc trưng truyền thống của Nhật Bản, dễ làm và dễ kiếm. Ngoài ra còn có các loại bánh dày, bánh Tokonoma cũng được đặt lên ban thờ nhằm tỏ lòng thành kính của con cháu đối với các bậc tổ tiên và mong muốn được thần linh phù hộ. Khi ăn, người Nhật sẽ dùng đũa nhọn cả 2 đầu vì cả người và thần sẽ dùng.
Lì xì đầu năm mới
Những chiếc lì xì là món quà ý nghĩa trong dịp đầu năm mới. Với quan niệm “Kính lão đắc thọ”, “Xởi lởi trời cho”, người Nhật thường mừng tuổi đầu năm cho người già và trẻ em. Thông thường, các em bé sẽ được nhận những chiếc phong bao xinh xắn trong đó có tiền, chúng sẽ cất đi, dùng dần cho việc học tập và mua những đồ dùng xinh xắn cho bản thân. Người già thì dùng tiền đó như một khoản tích lũy, phòng những lúc sức khỏe không tốt. Tiền mừng tuổi được để trong các bao màu đỏ, được trang trí hình con giáp của năm một cách ngộ nghĩnh. Trong 3 ngày Tết, người Nhật cũng sẽ đến thăm nhà nhau chúc mừng năm mới, việc mà họ hiếm khi thực hiện trong cả năm.
Đi chùa vào dịp đầu năm
Thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới thiêng liêng hơn bởi 108 hồi chuông chùa ngân vang – người ta tin rằng với tiếng chuông này sẽ giúp con người từ bỏ được 108 dục vọng trần gian. Một số đền, chùa ở Nhật còn cho phép người dân có thể đánh chuông trong dịp này. Người Nhật thường đến chùa hoặc đền Thần đạo vào dịp năm mới để cầu nguyện cho sức khỏe và gia đình hạnh phúc – một việc mà họ hiếm làm vào ngày thường. Sau khi lễ xong, người Nhật cũng thường rút Omikuji (quẻ bói). Nếu rút được quẻ lành, họ sẽ mang về nhà, còn nếu rút phải quẻ hung thì sẽ buộc lên cành cây như một lời hứa với vị thần rằng sẽ cố gắng hành động theo lời khuyên của thần để tránh điều không may mắn.
Khai bút đầu năm, tham gia những trò chơi dân gian
Một hoạt động khác cũng được coi là nét đẹp văn hoá đầu năm mới của người Nhật, đó là việc khai bút. Người Nhật dùng bút lông, mực Tàu viết những chữ có ý nghĩa tốt đẹp đầu năm mới. Trẻ em thường viết chữ hatsuhinode (bình minh đầu năm) hay shinshun (xuân mới). Cũng như nhiều nước châu Á khác, trong những ngày Tết, trẻ em Nhật là đối tượng được sự quan tâm nhiều nhất của gia đình và xã hội. Trong ngày Tết, trò chơi truyền thống của trẻ em là thả diều Takoage, đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi…
Lễ hội Mochitsuki Nhật Bản
Lễ hội Mochitsuki là lễ hội theo phong tục của người Nhật. Vào ngày này, họ cùng nhau làm bánh bao nếp, được gọi là mochi. Lễ hội Mochitsuki Nhật Bản rất ý nghĩa trong lễ kỉ niệm Tết nguyên đán ở Nhật Bản. Theo quan niệm của người Nhật Bản từ xa xưa cho rằng ăn bánh mochi trong năm mới để cầu mong những điều tốt đẹp, sự may mắn và sức khỏe an khang sẽ tới với bản thân và gia đình. Bên cạnh đó trong lễ hội này còn có các hoạt động cho cả gia đình bao gồm trà đạo, thư pháp và ikebana và nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản.