Trang chủ » NGƯỜI NHẬT ĐÓN NĂM MỚI NHƯ THẾ NÀO?

NGƯỜI NHẬT ĐÓN NĂM MỚI NHƯ THẾ NÀO?

  • bởi

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến năm mới (お正月: oshogatsu), dịp lễ quan trọng nhất trong năm ở Nhật. Các bạn hãy cùng NCHR tìm hiểu xem người Nhật đón năm mới như thế nào trong bài viết này nhé.

Vào dịp cuối năm, người Nhật thường hay gửi quà gọi là Oseibo (お歳暮) bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã quan tâm giúp đỡ họ trong năm cũ như bố mẹ hai bên gia đình, sếp trong công ty, đối tác, khách hàng, giáo viên v.v. Những món quà tiêu biểu trong dịp này bao gồm đồ ăn tươi (hải sản, thịt, hoa quả), rượu bia/ cà phê, sản vật địa phương, các món bánh kẹo hay các phiếu quà tặng.

Người Nhật thường chuẩn bị thiệp mừng năm mới gọi là Nengajyo (年賀状) để gửi đến bạn bè, người quen. Thiệp năm mới thường được thiết kế với biểu tượng may mắn hay là hình con giáp của năm mới, thường được gửi từ ngày 15 đến 25/12 để đến người nhận vào đúng ngày đầu năm mới. Thiệp năm mới có thể được mua sẵn hoặc tự làm.

Tuần cuối cùng trước khi nghỉ làm để đón năm mới, các công ty thường tổ chức tiệc cuối năm, gọi là Bonenkai (忘年会). Thông thường mọi người sẽ bắt đầu nghỉ từ ngày 28 hoặc 29 tháng 12.

Trong những ngày cuối năm, mọi người sẽ dọn dẹp, tổng vệ sinh sạch sẽ tại văn phòng và nhà mình. Phong tục này gọi là Osoji (大掃除). Người ta tin rằng việc dọn sạch bụi bẩn trong năm là việc rất quan trọng để chuẩn bị một không khí trong lành, sạch sẽ chào đón các vị thần đến trong năm mới. Trong các gia đình nhiều thế hệ, đàn ông thường phụ trách việc dọn dẹp, tổng vệ sinh nhà cửa còn phụ nữ sẽ cùng nhau chuẩn bị các món ăn cho năm mới, gọi là Osechi Ryori (おせち料理).

Sau khi dọn dẹp sạch sẽ, người Nhật trang trí nhà cửa bằng 2 bộ Kado Matsu (門松) đặt tại 2 bên cửa ra vào. Mỗi bộ Kado Matsu bao gồm 1 cành thông và 3 ống tre vát chéo có độ dài khác nhau. Cành thông tượng trưng cho sự trường thọ còn tre là biểu tượng của sự thịnh vượng.

Kado Matsu (門松)

Kagami Mochi (鏡餅), là bộ trang trí bao gồm 2 cái bánh dày tròn, bánh nhỏ đặt bên trên bánh to được đặt tại vị trí trang trọng trong nhà. Sự tròn trịa của bánh dày tượng trưng cho sự hoà hợp trong gia đình và độ dai dẻo của bánh dày là biểu tượng cho sự trường thọ. Có nhiều cách giải thích về 2 chiếc bánh dày, như là mặt trăng và mặt trời, hay là âm và dương v.v. Trên bánh dày sẽ đặt một quả quýt gọi là daidai (代々), là biểu tượng cho sự nối tiếp các thế hệ trong gia đình.

Tục lệ giã bánh dày Mochi Tsuki (餅つき) là một sự kiện truyền thống quan trọng được tiến hành vào cuối năm tại nhiều nơi ở Nhật.

Khi chào tạm biệt nhau vào những ngày cuối năm (trước 11:59 đêm giao thừa), người Nhật sẽ nói Yoi Otoshio!“ (良いお年を) nghĩa là “Chúc một năm tốt lành nhé”.

Đêm giao thừa tiếng Nhật gọi là Omisoka (大晦日).  Người Nhật thường trải qua đêm giao thừa và đón năm mới cùng với gia đình. Nhiều người chọn đón giao thừa tại các sự kiện countdown.

Các gia đình thường ăn sushi, sashimi hoặc các món lẩu vào bữa tối trong đêm giao thừa. Buổi tối, cả gia đình sẽ quây quần xem chương trình ca nhạc trực tiếp mừng năm mới gọi là Kohaku Utagassen (紅白歌合戦). Đây là chương trình thi hát giữa hai đội: đội đỏ (đội nữ ca sĩ) và đội trắng (đôi nam ca sĩ).

Trước khi bước sang giao thừa, người Nhật sẽ ăn mì soba, gọi là mì trường thọ Toshikoshi Soba (年越し蕎麦). Sợi mì soba dài và mỏng tượng trưng cho sự trường thọ.

Người Nhật thức đến nửa đêm để lắng nghe 108 tiếng chuông tại các đền chùa. Các đền chùa địa phương sẽ gióng 107 tiếng chuông trước thời điểm giao thừa và 1 tiếng chuông khi vừa bước sang năm mới. Tục lệ này gọi là Joya no Kane (除夜の鐘). Theo Phật giáo, việc gióng 108 hồi chuông sẽ giúp cho con người rũ bỏ mọi ham muốn trần tục, giúp cho tâm hồn thanh khiết vào năm mới.

Sau khi bước sang năm mới, người Nhật sẽ nói “Akemashite Omedeto Gozaimasu!“ (明けましておめでとうございます), nghĩa là “Chúc mừng năm mới!”. Đối với những người thân thiết hay bạn bè, người Nhật có thể nói tắt thành “Akeome!”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *